“Anh nghe thu bứt lá gọi đời đi
Tôi thấy cả một mùa xuân đang bước lại”
Khi học về ảnh hưởng của các mối quan hệ trong gia đình đến sự phát triển của trẻ vị thành niên, tôi chợt nhớ đến hai câu thơ trên của Tố Hữu. Khi ấy Tố Hữu còn rất trẻ, ở tù cùng với Nguyễn Chí Diểu, một nhà cách mạng lão thành, và cảm hứng làm thơ về người đồng chí tiền bối của mình.
Hóa ra, khi trẻ bước vào tuổi teen thì cũng là lúc bố mẹ bước vào khủng hoảng tuổi trung niên, và nhiều khi mâu thuẫn phát sinh là do bố mẹ chứ không phải do trẻ. Vì hai thế hệ đang vào độ tuổi trái ngược nhau về nhiều mặt, nên tiềm ẩn mâu thuẫn tự nhiên.
Về sinh học, đứa trẻ bước vào mùa xuân còn bố mẹ sang thu. Có bà mẹ nói: bây giờ khi ra đường, người ta nhìn theo con gái tôi chứ không nhìn theo tôi nữa.
Về tương lai, một người thấy tương lai rộng mở, người kia thì thấy các cơ hội cuộc sống đang thu hẹp dần. Một điều thú vị là, trước tuổi trung niên thì người ta nghĩ về việc mình đã sống được bao lâu, còn sau tuổi trung niên thì nghĩ là còn bao nhiêu nữa để sống.
Về địa vị trong xã hội, một người bắt đầu cảm thấy mình có quyền, không còn là đứa trẻ bảo gì nghe nấy nữa. Người kia thì cảm thấy đã đi đến đỉnh cao sự nghiệp, từ giờ chỉ là đi xuống…
Cho dù không ý thức được và nói ra được như người mẹ kia, thì các bố mẹ cũng vô thức cảm thấy chút ngậm ngùi, chút ganh tị. Những cảm giác này có thể gây ra những hành xử không đáng có từ phía bố mẹ và khiến trẻ phản ứng, mà bố mẹ không biết là do mình.
Mọi quan hệ đều hai chiều, tác động qua lại. Do đó nếu bố mẹ cảm thấy trẻ nổi loạn thì rất nên tìm cách giúp trẻ bằng việc soi xét lại từ bản thân.
Nói thêm chút về câu thơ của Tố Hữu. Nếu ý trong thơ không phải là do ổng nghe được từ tiền bối mà tự ngẫm ra thì rất lạ. Vì người trẻ chưa đủ vốn sống để cảm nhận được tâm trạng của người già.