Thông điệp gì từ bộ phim Biến cố tuổi vị thành niên (Adolescence)
Ở cảnh cuối, khi người bố vuốt ve con gấu bông và thổn thức “xin lỗi con trai, lẽ ra bố có thể làm tốt hơn”, ta hiểu rằng ông đã thực sự cố gắng làm mọi thứ tốt nhất cho con mình. Vậy tại sao tai nạn lại ấp đến? Điều mà ông, cũng như tất cả người lớn chúng ta, không ngờ tới là: bối cảnh phát triển của VTN ngày nay đã rất khác…
Vị thành niên là giai đoạn chuyển đổi bước ngoặt đối với tâm lý con người. Nó ngày càng kéo dài hơn, càng quan trọng hơn với tương lai của đứa trẻ, và tiềm ẩn những rủi ro quá mới mà người lớn còn chưa nhận ra chứ không nói đến giải quyết, khi các làn sóng công nghệ kết nối lần lượt nổi lên nhấn chìm tất cả…
Bộ phim 4 tập trên Netflix đã gây ra những tranh luận sôi nổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Có mấy lý do. Thứ nhất là vì bộ phim mở ra một vấn đề mà không kết luận. Thứ hai là vấn đề này không phải của riêng người nào hay cộng đồng nào, không ai có con ở độ tuổi này mà có thể khoanh tay đứng trên nhìn xuống vì cho là không liên quan đến gia đình mình. Con cái chúng ta đều là Katie, Ryan, Adam hay Jade. Và rất có thể chúng chỉ cách Jamie có một nhát vung dao. Trong câu chuyện này không ai có vấn đề gì về tâm lý, tất cả đều là những người hết sức bình thường, như chúng ta. Vì vậy, thay vì đi sâu phân tích tâm lý một vài nhân vật và vội dán nhãn cho họ, ta cần phân tích bức tranh toàn cảnh mà chính mình cũng đang ở trong.
Để hiểu bức tranh toàn cảnh của vị thành niên, ta cần lùi lại quá khứ để xem xu hướng vận động của nó. Sau đó xem xét tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý xã hội của VTN ngày nay, và soi chiếu vào các sự kiện và nhân vật trong phim.
Vị thành niên: bắt đầu bởi tự nhiên, kết thúc do xã hội
Nói đến VTN ta nghĩ ngay đến dậy thì. Dậy thì là một hiện tượng sinh học, thuộc về tự nhiên. Đó là mốc quan trọng đối với động vật nói chung bao gồm con người, là thời điểm tách khỏi bố mẹ, tự kiếm ăn, tìm bạn tình và sinh sản. Thời điểm bỏ lại phía sau sự bao bọc của bố mẹ và bước ra thế giới.
Nói VTN bắt đầu bởi tự nhiên là vì dậy thì là điểm bắt đầu. Nhưng thời điểm kết thúc lại do xã hội quyết định, và khác nhau ở các thời đại và xã hội khác nhau. Vì thế người ta nói VTN là một phát kiển của xã hội. Thật ra, điểm kết thúc cũng rất không rõ ràng, vì trong giai đoạn này trẻ dần trưởng thành về nhiều mặt: sinh học, nhận thức, về pháp lý, về kinh tế và các mặt khác. Các quá trình này bắt đầu và kết thúc không cùng lúc, và khác nhau cho các đứa trẻ khác nhau.
Ngày xưa, đứa trẻ lớn lên quanh quẩn trong gia đình, giúp việc cho bố mẹ rồi dần tiếp quản công việc đó, lập gia đình và sinh con. Không có cái gọi là khủng hoảng, không có ảnh hưởng phức tạp của bạn đồng trang lứa. Quá trình trưởng thành có thể hết sức nhẹ nhàng và dễ chịu, như với thổ dân Samoa trong nghiên cứu của nhà nhân học Margaret Mead.
Thời đại công nghiệp hóa đã thay đổi mọi thứ. Trường học xuất hiện và tất cả trẻ em phải đến trường. Giờ đây bọn trẻ lớn lên không chỉ trong tương tác với gia đình, mà còn với thầy cô và chúng bạn. Dành nhiều thời gian bên nhau, chúng hình thành nên văn hóa riêng của vị thành niên. Rồi cuộc sống khá giả lên, bọn trẻ có tiền và trở thành một đối tượng mua sắm quan trọng. Các nhà tiếp thị bắt đầu để mắt đến chúng, tạo ra những xu hướng tiêu dùng riêng cho giới trẻ. Ra mắt năm 1944 ở Mỹ, tạp chí Seventeen (Tuổi 17) góp phần định hình hệ giá trị của VTN.
Thay đổi nhanh nhất xảy ra ở khu vực thành thị. Bố mẹ đi làm cả ngày, con cái đến trường rồi sau đó tự do la cà cùng chúng bạn. Thế nên có nhiều đứa bị rủ rê đi theo băng đảng, quậy phá, ăn cắp, thậm chí chém hay bắn nhau. Ngày tôi còn bé, cũng đã vài lần chứng kiến bạn hàng xóm đứa thì ra sông Hồng bơi và chết đuối, đứa thì rủ nhau trèo hái hoa ngọc lan ngã tử thương. Những rủi ro như vậy đã khiến người lớn phải tìm cách kéo trẻ vào các hoạt động ngoại khóa, để bớt đi khoảng thời gian la cà mà người lớn không kiểm soát được.
Thế rồi gần đây các phương tiện truyền thông xã hội đã xuất hiện, nhanh chóng phổ biến và giữ chân bọn trẻ ở nhà, vì trẻ thích giao tiếp trên mạng hơn, ra đường không còn cool ngầu nữa. Ở Mỹ, tỷ lệ trẻ tham gia các băng nhóm giảm xuống, ít ra đường buổi tối hơn, thậm chí ít lấy bằng lái xe hơn - thứ mà trước nay khẳng định địa vị của trẻ. Điều này đã khiến các bố mẹ yên tâm, nhưng họ không ngờ rằng có một hiểm nguy khác xuất hiện như hố đen và cuốn lũ trẻ vào. Đó là các phương tiện truyền thông xã hội.
Tình hình còn trầm trọng hơn vì bên cạnh các biến đổi này, quá trình VTN ngày càng kéo dài: dậy thì sớm hơn và trưởng thành muộn hơn, ngày nay khoảng từ 12 đến hơn 20 tuổi. Trẻ trưởng thành muộn hơn bởi vì chúng phải vượt qua các thách thức ngày càng lớn. Ví dụ về khía cạnh tự lập, người trẻ phải học lâu hơn và khó hơn để hòng có công việc đủ sống, vẫn phải tiếp tục ở nhờ bố mẹ vì chưa đủ kinh tế ra ở riêng, trì hoãn cưới xin và có con. Người trẻ có thể đã trưởng thành về tâm lý nhưng vẫn phải sống chung với bố mẹ, dẫn đến những mâu thuẫn do quan điểm khác nhau về sự độc lập, “ở nhà tao thì phải nghe tao”.
Các thay đổi mà truyền thông xã hội gây ra có ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng trẻ vị thành niên bị tác động lớn hơn cả, vì đây là thời điểm chúng bắt đầu định hình bản sắc cá nhân (identity), dần tự lập cảm xúc và tự chủ hành vi, biết cách xây dựng các mối quan hệ thân mật, bắt đầu cuộc sống tình dục, và khẳng định tương lai qua các thành tựu. Những yếu tố tâm lý xã hội này là tối quan trọng vì một khi đã hình thành thì rất khó thay đổi, là các thành phần trong cái tôi của đứa trẻ đã trưởng thành, quyết định toàn diện cuộc sống tương lai. Vì thế, các bố mẹ cần nắm được bức tranh toàn cảnh của tiến trình này để có thể hỗ trợ con mình tốt nhất.
Công thức 3-4-5
Bố mẹ nào cũng mong con mình ‘dậy thì thành công’, tức là trưởng thành tốt, bao gồm việc phát triển đầy đủ các yếu tố tâm lý xã hội kể trên để sẵn sàng cho một cuộc sống tự lập của người lớn. Quá trình phát triển này có thể được tóm tắt bởi các con số 3-4-5, gồm:
- Năm yếu tố tâm lý xã hội mà trẻ VTN cần phát triển: bản sắc cá nhân (căn tính), sự tự lập, quan hệ thân mật, tình dục và thành tựu.
- Ba sự chuyển đổi nội tại của trẻ: về sinh học, về nhận thức và về vai trò xã hội. Nói là chuyển đổi bởi vì chúng là các quá trình kéo dài.
- Bốn bối cảnh trực tiếp ảnh hưởng đến trẻ: gia đình, chúng bạn, trường học và bối cảnh sử dụng thời gian nhàn rỗi, bao gồm sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.
Trong quá trình tương tác giữa ba chuyển đổi nội tại và bốn bối cảnh, trẻ VTN sẽ phát triển cho mình năm yếu tố tâm lý xã hội. Ta sẽ lần lượt điểm qua các yếu tố, chuyển đổi và bối cảnh.
Bản sắc cá nhân (căn tính) là tập hợp các khái niệm của trẻ về bản thân, trả lời câu hỏi tôi là ai. Bản sắc cá nhân bao gồm hình ảnh của trẻ trong mắt bản thân, lòng tự tôn. Sự tự lập bao gồm tự chủ về cảm xúc, độc lập về hành vi tức là khả năng ra quyết định, và tự lập về nhận thức – phát triển hệ giá trị riêng, niềm tin riêng cho bản thân. Khả năng xây dựng các mối quan hệ thân mật giúp trẻ có bạn thân, hẹn hò và yêu đương. Năng lực tình dục là khả năng làm chủ và tận hưởng quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh. Cuối cùng, thành tựu trong học tập sẽ giúp trẻ tin vào năng lực bản thân và theo đó để định hướng tương lai.
Trong ba sự chuyển đổi, chuyển đổi về sinh học chính là dậy thì, khi các tuyến nội tiết sinh dục được kích hoạt kéo theo những thay đổi bên ngoài. Trong phim Inside Out 2, khi nút ‘dậy thì’ được kích hoạt thì ngay lập tức xuất hiện những cảm xúc mới – lo âu, ghen tị, xấu hổ và chán nản. Dậy thì khiến tâm trạng của trẻ sáng nắng chiều mưa, và cũng khiến trẻ thức khuya hơn. Ngoài ra, các thay đổi bên ngoài như cơ thể hay giọng nói cũng khiến mọi người có nhìn nhận khác về trẻ, và trẻ cũng tự thấy mình khác.
Khả năng nhận thức cũng có những thay đổi bước ngoặt. Trẻ VTN bắt đầu tư duy trừu tượng, đặt ra và tính toán các giả thuyết, ngẫm về bản thân, hiểu tính tương đối của sự việc. Do đó trẻ có thể suy nghĩ và hiểu được quan hệ liên cá nhân vốn là khái niệm trừu tượng, nghĩ về tương lai. Ngoài giai đoạn từ 0-3 tuổi, giai đoạn dậy thì là lúc não bộ của trẻ phát triển mạnh ở một số khu vực liên quan đến tư duy logic và kiểm soát cảm xúc. Các kết nối thần kinh mới được hình thành trong giai đoạn này và sẽ ổn định, ít thay đổi về sau.
Quá trình chuyển đổi thứ ba là về tình trạng xã hội của trẻ. Khác với hai quá trình trước, chuyển đổi về mặt xã hội không phải do tự nhiên, nhưng là giống nhau với tất cả trẻ VTN nên có thể coi là yếu tố nội tại. Trẻ có địa vị mới, bắt đầu được xã hội trao quyền và được trông chờ có trách nhiệm hơn, ví dụ được tự do một mình, lái xe, sử dụng rượu bia, hút thuốc, bỏ phiếu, v.v. Ở một số xã hội, trẻ được coi là chính thức trưởng thành sau khi trải qua một nghi lễ theo truyền thống. Từ đó trẻ được trao quyền của người lớn, được mang những dấu hiệu nhận biết của người lớn như trang phục hoặc hình xăm, và phải cư xử đúng với tình trạng mới của mình.
Ba sự chuyển đổi kể trên xảy ra đồng thời trong bốn bối cảnh xã hội bao gồm gia đình, chúng bạn, nhà trường và bối cảnh nhàn rỗi. Khác với ba quá trình chuyển đổi vốn đồng nhất cho tất cả VTN, các bối cảnh xã hội của mỗi trẻ là rất riêng.
Bối cảnh đầu tiên là gia đình, là các mối quan hệ với bố mẹ hay người bảo trợ. Các chuyển đổi trong trẻ dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ này, và thường tạo ra mâu thuẫn. Cách hành xử của bố mẹ có tầm quan trọng hơn cả đến sự phát triển của VTN. Cách hành xử bao gồm hai thành phần: mức độ đòi hỏi và mức độ đáp ứng. Từ đó người ta xác định ra bốn kiểu bố mẹ: quyền uy (đòi hỏi cao, đáp ứng cao), độc đoán (đòi hỏi cao, đáp ứng thấp), nuông chiều (đòi hỏi thấp, đáp ứng cao) và thờ ơ (cả hai đều thấp). Bố mẹ kiểu quyền uy được cho là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ, vì vừa tạo động lực để trẻ cố gắng lại vừa giữ được kết nối, hỗ trợ đúng mức và kịp thời.
Bạn bè cùng trang lứa là bối cảnh thứ hai. Trẻ càng lớn thì thời gian dành cho chúng bạn càng nhiều, gấp vài lần so với thời gian dành cho người lớn. Đây là đặc điểm riêng của xã hội hiện đại, và có vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Thông qua tương tác với chúng bạn, trẻ học cách tạo dựng quan hệ, tìm kiếm căn tính, học cách cảm nhận, tư duy và hành động giữa những người ngang hàng – những thứ mà người lớn dạy không hiệu quả bằng. Trẻ sẽ kết bè phái, mâu thuẫn với nhau, chuyển trọng tâm từ bạn cùng giới sang khác giới, v.v. – rất nhiều chuyện xảy ra trong quá trình. Bên cạnh các lợi ích, bối cảnh này tiềm ẩn nhiều rủi ro vì những đối đầu, bắt nạt, hổ thẹn, tự ái, v.v.
Bối cảnh thứ ba là nhà trường. Cũng như ở gia đình, thái độ của thầy cô giáo đối với trẻ thay đổi khi trẻ bước vào tuổi VTN. Họ cảm thấy học sinh ngỗ ngược, không nghe lời, nên bớt tin tưởng ở trẻ. Nhiều giáo viên có thành kiến với lứa tuổi VTN, cho rằng tính cách và năng lực của chúng đã cố định, không thể thay đổi, và mặc kệ. Nhà trường hay xếp học sinh vào các lớp theo học lực, và điều này cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng. Cũng như trong trường hợp bố mẹ, thầy cô giáo thuộc kiểu quyền uy sẽ giúp trẻ phát triển tốt nhất. Họ là tác nhân quan trọng để khiến trẻ muốn đến trường, thích học và cảm thấy có chỗ dựa tâm lý. Để trẻ thấy mình có giá trị trên đời.
Bối cảnh cuối cùng liên quan đến việc trẻ sử dụng thời gian nhàn rỗi, bao gồm đi làm thêm, tham gia ngoại khóa, lang thang với bàn bè, và tiêu thụ các phương tiện truyền thông xã hội như TV, game máy tính, và bây giờ là mạng xã hội và có thể tiếp theo là AI. Đây là chỗ xảy ra những thay đổi chóng mặt do công nghệ đem lại, và tiềm ẩn hiểm nguy kiểu mới. Trước kia, khi trẻ tự do ra phố và có thể dây dưa với kẻ xấu, thì bố mẹ và người lớn khác có thể nhìn thấy và can thiệp sớm. Ngày nay, khi trẻ lang thang trên Internet, bố mẹ yên tâm vì trẻ ở trong phòng. Bố mẹ cũng không hiểu các ngôn ngữ ký hiệu của trẻ, tưởng chừng vô hại nhưng lại kích thích cảm xúc mạnh mẽ. Mối nguy hiểm trở nên vô hình, mọi thứ bỗng trở nên như trong phim Ma trận, khi chết trong thế giới ảo cũng là chết trong đời thực.
Hãy cùng soi các bối cảnh này vào bộ phim.
Con cái chúng ta thuộc thế hệ lo âu?
“Thế hệ lo âu” là tên một cuốn sách mới ra mắt và thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Sách nói về sự tái kết nối thần kinh vĩ đại – những thay đổi tâm trí chưa từng có ở những đứa trẻ VTN của thời đại công nghệ kết nối. Khác với những người lớn đã kịp cứng cáp, trẻ VTN bị ảnh hưởng bởi công nghệ truyền thông đúng vào lúc não bộ của chúng đang phát triển, ngăn cản việc hình thành các kết nối thần kinh vốn rất cần cho quá trình trưởng thành. Xét thấy sự cấp bách của vấn đề, nhà tâm lý học Jonathan Haidt tác giả cuốn sách đã khởi xướng một phong trào hướng đến các bố mẹ, trường học, chính quyền và các tập đoàn công nghệ, nhằm giải phóng người trẻ khỏi những ảnh hưởng có hại này.
Bộ phim Adolescence là một câu chuyện về thế hệ lo âu. Xin nhấn mạnh một lần nữa, ở đây không có nhân vật nào có bất thường tâm lý đáng kể. Đâu đó có những sự bất ổn, nhưng rất đời thường mà bất kỳ ai cũng từng rơi vào và không coi là vấn đề gì nghiêm trọng. Nếu không có những nhát dao của Jamie mang tính chất bột phát tình cờ hơn là tất yếu của nhân vật, thì đã chẳng có chuyện gì đáng nói. Các vụ đâm dao của trẻ mới lớn là có thật ở Anh, nhưng đó là hệ quả biểu hiện ra ngoài của bối cảnh. Vì vậy, trọng tâm của chúng ta sẽ không phải đi sâu phân tích tâm lý một nhân vật cụ thể, mà nhìn vào các bối cảnh chung. Công nghệ đã thay đổi bối cảnh, và bối cảnh ảnh hưởng lên tất cả.
Bối cảnh nhà trường
Tập hai xoay quanh bầu không khí trường học. Ta có thể thấy tình trạng báo động của nó: các thầy cô giáo buông xuôi, không quan tâm đến học sinh. Thầy Malik vào lớp muộn và từ chối hợp tác với điều tra viên. Fenumore, cô giáo dẫn đường cho các cảnh sát, quen dạy tiểu học nên vô cùng lúng túng với bọn học trò mới lớn đã không còn dễ thương dễ bảo. Khi được Jade (cô bạn của Katie) mở lòng, cô Bailey đã không lắng nghe và bỏ lỡ cơ hội thấu hiểu và giúp đỡ. Chỉ có trung sỹ Frank là gặp may với trường học, đã ‘sống sót’ vì gặp được cô Benton, người đã “cho tụi trẻ một cái gì đó để chúng cảm thấy ổn về bản thân”. Người xem không khỏi bùi ngùi khi chợt nghĩ, vốn cũng thích vẽ như trung sỹ Frank, biết đâu Jamie đã tự tin hơn về bản thân và rẽ theo ngả khác, nếu cậu gặp một cô giáo như cô Benton.
Bối cảnh gia đình
Khác với những câu chuyện về việc bố mẹ vô thức chuyển những tổn thương ngày bé sang con cái, Eddie bố Jamie hoàn toàn ý thức được và đã ngăn chặn không để lặp lại những bạo hành của cha mình. Đó là một người cha mẫu mực, đầy cố gắng. Ông làm việc từ sáng sớm đến tối khuya, quan tâm đến con cái, mua máy tính để con học. Ông không rượu bia nhiều như bố mình. Ông cũng cố gắng kết nối với con bằng cách cho con chơi thể thao, nhưng bất thành. Ông không hoàn hảo, đã vô tình để con nhìn thấy sự thất vọng của mình và vì thế mà tự tôn của cậu bé giảm đi ít nhiều. Nhưng Jamie cảm thấy bố vẫn là người gần gũi nhất, và muốn có bố ở bên trong lúc khó khăn chứ không phải mẹ. Ở tập 3, trong suốt cuộc nói chuyện với nhà tâm lý học Ariston, Jamie đã luôn lo và bảo vệ bố. Lúc bị dẫn đi, lời nói với lại của cậu cũng là lời nhắn để bố yên tâm. Theo lời kể của cậu, mẹ cậu là một người thiếu tự tin. Người mẹthụ động và thiếu kết nối với con, nhìn thấy con thường thức khuya đến 1h sáng mà không tìm hiểu để can thiệp.
Chỉ thoáng qua nhưng phim cũng cho ta thấy thất bại của thanh tra Bascombe trong vai trò người cha. Anh cũng bị cuốn vào công việc và bỏ bê Adam con trai mình. Chỉ sau khi con trai chủ động chia sẻ, anh mới nhận ra và bắt đầu kết nối lại với con. Có lẽ người xem nhìn thấy mình cũng trong hoàn cảnh như vậy, và thầm mong anh sẽ thành công.
Qua vài câu trao đổi của ông hiệu trưởng và cô Bailey, ta cũng thấy sự hời hợt của các phụ huynh khác, khi có đến 14 người thắc mắc về việc bảo đảm an toàn trong trường, có người đòi lắp khung dò vũ khí. Họ không tìm hiểu kỹ câu chuyện để tự điều chỉnh, mà kết luận ngay rằng vụ việc là trách nhiệm của trường.
Bối cảnh chúng bạn và truyền thông xã hội
Trong phim, hai yếu tố này quyện với nhau nên ta sẽ phân tích cùng lúc. Việc trẻ sử dụng truyền thông xã hội thiếu giám sát đã khiến tụi trẻ tiếp cận những kẻ cực đoan như Andrew Tate, qua lời kể của Adam. Tate là một ngôi sao có thật trên mạng xã hội, được gọi là “vua của nam tính độc hại”, bị điều tra do nghi ngờ phạm tội xâm hại phụ nữ ở Anh, Mỹ và Rumani. Hắn tuyên truyền thuyết thù ghét phụ nữ, nói chung là một người có ảnh hưởng nguy hiểm đến giới trẻ. Ngoài ra, mạng xã hội như Instagram cũng khiến Jamie, cậu bé 13 tuổi bắt đầu vị thành niên, bị quyến rũ bởi các hình ảnh người mẫu khêu gợi. Đó cũng là nơi để bọn trẻ miệt thị và bắt nạt nhau, thông qua ngôn ngữ ký hiệu riêng của chúng.
Tính cách nổi bật của Jamie là tự tôn thấp. Cậu luôn cảm thấy mình bất tài, xấu xí, không được con gái thích, và tìm mọi cơ hội để xóa đi ám ảnh đó. Tuổi dậy thì thôi thúc cậu tìm bạn gái trong vô vọng, tưởng tượng rằng mình từng cùng con gái thân mật âu yếm. Trong buổi nói chuyện với Ariston, cậu có hai lần thú nhận là mình kém cỏi – một lần về việc bố thấy xấu hổ với cậu và một lần tự nhận mình xấu xí. Cả hai lần, cậu đều trông đợi rằng người đối thoại sẽ phản đối, để lòng tự tôn của cậu được chút vuốt ve. Trong cả hai lần, cậu đã nổi điên khi không nhận được tín hiệu an ủi đó. Khao khát cháy bỏng được người khác quý mến thể hiện ở cuối buổi nói chuyện, khi cậu khẩn cầu trong tuyệt vọng và hoảng loạn: cô có thích cháu không, thích như một con người ý? Ariston đã đau đớn bật khóc vì yêu cầu nghề nghiệp không cho phép cô trả lời câu hỏi này.
Các nhân vật VTN trong phim đều nằm ở tầng đáy trong xã hội đồng trang lứa ở trường, tuy thuộc các nhóm khác nhau. Jamie, Ryan và Tommy là những đứa trẻ bị bắt nạt, nên lập thành nhóm chơi cùng nhau. Adam đơn độc và cũng thường xuyên bị bắt nạt, miệt thị ngoại hình. Katie và Jade cũng không hơn. Jade chỉ có bạn duy nhất là Katie, người làm nó cảm thấy bản thân có giá trị. Katie thì gửi ảnh nhạy cảm cho Fidget để rồi Fidget gửi cho tất cả bọn con trai một cách nhạo báng, là điểm khởi đầu cho bi kịch. Có lẽ Fidget cũng chịu ảnh hưởng nam tính độc hại của Tate.
Cái chết của Katie là bi kịch của những đứa trẻ dưới đáy trong cộng đồng cùng trang lứa. Katie thích Fidget nhưng đã bị lôi ra làm trò cười một cách cay đắng. Vốn cảm tình ngầm với Katie, khi thấy bạn bị khước từ và hạ nhục, Jamie đã tìm đến và tỏ ý muốn trở thành bạn trai của Katie. Lời cự tuyệt “tôi không tuyệt vọng đến mức ấy” của Katia hẳn đã như một nhát dao đâm vào tim cậu trai trẻ. Nóng nảy, thù ghét và tuyệt vọng, Jamie đã trút cơn thịnh nộ lên Katie, cơn thịnh nộ của lòng tự tôn bị đè nén.
Người lớn có thể làm gì?
Mỗi bố mẹ đều có thể là Eddie hay Bascombe, bận bịu kiếm tiền cho con ăn học, trông cậy vào sự giáo dục của nhà trường, và hình dung tuổi vị thành niên của con cũng gần giống như của mình ngày trước. Nhiều khó khăn của ngày xưa đã không còn, nên nhiều bố mẹ nghĩ rằng trẻ con bây giờ quá sướng, mà không ý thức được rằng chúng đang phải vật lộn với những thách thức nguy hiểm không kém, lại vô cùng mới. Giống như lớn lên trên Sao Hỏa, cho dù được bảo đảm đầy đủ từ đầu đến chân, nhưng chúng phải loay hoay thích nghi với trọng lực mới, với những hậu quả mà người sống ở Trái Đất còn không ý thức được. Nếu sinh ra ở thời này, chắc chắn chúng ta cũng đáng thương và cần được giúp đỡ như chúng.
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là hiểu đúng tình hình, phải theo kịp những biến động của xã hội. Sẽ ngày càng không đủ nếu chỉ ỷ vào lòng yêu thương với trẻ. Chỉ khi thấu hiểu thì mỗi người, với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mình, sẽ tìm ra được cách tốt nhất để giúp con mình. Khi hiểm nguy không còn là vô hình thì chúng ta sẽ chế ngự được. Quy luật là, cứ mỗi khi nhân loại nghĩ ra một giải pháp mới, ví dụ một công nghệ tiên tiến, thì giải pháp này sẽ đẻ ra những vấn đề mới, để rồi lại phải có lời giải cho chúng. Vòng tròn sẽ tiếp tục quay, các vấn đề sẽ ngày một phức tạp hơn, nhưng ta có thể lạc quan vì khả năng giải quyết của chúng ta cũng tăng hơn.
Những đứa trẻ sẽ khôn lớn, để rồi thỉnh thoảng lại hoài niệm quá khứ hồn nhiên, thèm được nhìn thế giới qua đôi mắt trẻ thơ trong trẻo, như lời hát da diết của Aurora ở cuối phim.