Năm ngoái, sau trận bão lịch sử, có vụ phông bạt rùm beng của nhiều KOL, KOC trên mạng, khi chuyển tiền ủng hộ đồng bào thì tiện tay thêm dăm ba số không vào đằng sau, để cho hành động của họ nom hoành tráng hơn so với thực tế.
Nhiều căn nhà ống ở thành phố, xây kiểu mái bằng đơn giản, nhưng gia chủ thích làm thêm một phần mái chéo giả ở mặt tiền, cũng là để khi được nhìn từ phía trước, căn nhà sẽ có cảm giác hoành tráng hơn. Tất nhiên chỉ cần bước sang mấy bước là thấy phía sau trống không, rất buồn cười.
Vậy hai hiện tượng trên thì có liên quan gì đến nhau?
Alfred Adler, một trong ba trụ cột của lĩnh vực phân tâm học, đã nói rằng “là người tức là cảm thấy tự ti”.
Theo Adler, tất cả mọi người đều trải qua cảm giác tự ti, chúng ta cảm thấy mình thua kém, yếu thế, hoặc không bằng người khác trong một khía cạnh nào đó, đặc biệt là khi còn nhỏ. Có thể là vì vẻ bề ngoài, vì điều kiện kinh tế, về năng lực, thể chất… Và đó là một phần tất yếu, một kinh nghiệm phổ quát mà ai cũng phải đối mặt.
Cảm giác tự ti có phải là xấu hay không? Không hề! Thậm chí Adler cho rằng cảm giác đó còn là một động lực tích cực thúc đẩy ta cố gắng hơn để cải thiện bản thân. Bạn cảm thấy thằng hàng xóm có xe xịn hơn của bạn, bạn ráng cày cuốc để mua xe mới còn xịn hơn nó, chẳng phải tốt hay sao?
Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là một khi cảm giác tự ti đi theo hướng tiêu cực, nó trở nên thái quá, bạn luôn ám ảnh về việc mình thua kém người khác, bạn thiếu tự tin trầm trọng. Bạn không có đủ dũng khí để đối mặt và vượt qua tình cảnh của mình, thay vào đó, bạn trốn chạy cộng đồng xung quanh và thu mình vào cảm giác thấp kém và bất lực.
Adler gọi trạng thái đó là “phức cảm tự ti” (inferiority complex).
Thay vì cố gắng kiếm tiền để mua được chiếc xe xịn hơn thằng hàng xóm, bạn tự làm bản thân áp lực, bạn căng thẳng, mệt mỏi, tránh mặt tất cả mọi người vì cảm thấy mặc cảm.
Như một cách tiêu cực để bù đắp lại, một người đang ở tình trạng đó có thể sẽ “diễn” vai một người tự tin và vượt trội để bù đắp cho mặc cảm sâu kín trong mình. Họ chọn cách phủ nhận và che đậy nó bằng cách “thổi phồng” bản thân lên.
Nếu các bạn đã xem bộ phim khét tiếng một thời những năm 9x, “chuyện nhà Mộc”, nhân vật ông anh hàng xóm do diễn viên Quốc Tuấn thủ vai, đã cố gắng tỏ ra nóng tính, dữ dằn để ra oai với vợ, hòng che đậy con tim íu đúi đầy mặc cảm bên trong, vì anh không thể kiếm nhiều tiền bằng vợ mình.
Hay một dấu hiệu mà các bà mẹ bỉm sữa hay truyền tai nhau để phát hiện con mình có vấn đề về tâm lý, khi chúng có thói quen đi nhón chân, đó chính là một biểu hiện cho việc những em bé đang cố gắng để trở nên cao lớn hơn, “vượt trội” hơn.
Và Adler gọi hiện tượng đó là “phức cảm vượt trội” (superiority complex)
Những biểu hiện nghiêm trọng hơn nữa, người ở trong trạng thái “phức cảm vượt trội” thường ít quan tâm đến cảm xúc của người khác, chỉ tập trung vào lợi ích cá nhân. Họ không chấp nhận những lời phê bình, góp ý, vì điều đó đe dọa đến hình ảnh “vượt trội” mà họ cố gắng xây dựng. Họ thích thể hiện, phô trương, khoe khoang, cố gắng gây ấn tượng với người khác về vẻ bề ngoài, về tài sản, hoặc thành tích gì đó, mà thường là giả tạo hoặc bị họ phóng đại. Ngôn ngữ cộng đồng mạng gọi là phông bạt!
Nếu không được nhận ra và kiểm soát kịp thời, nhất là đối với trẻ em, “phức cảm vượt trội” có thể trở thành một tình trạng bệnh lý trầm trọng hơn.
Kết lại, Adler tin rằng, mục tiêu của mỗi người chúng ta không phải loại bỏ cảm giác tự ti, vì điều này vốn không thể, mà là học cách đối diện và vượt qua nó một cách lành mạnh, tức là chuyển hóa nó thành động lực để phát triển bản thân và đóng góp cho xã hội.