"Phạt thật nặng" và 3 cấp độ tư duy đạo đức

Một bà tướng công an vừa đề xuất tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông lên đến 200 triệu để “tăng tính răn đe”. Kiểu tư duy này khá phổ biến trong xã hội Việt Nam: phạt thật nặng cho chừa.

Cách này tất nhiên không hiệu quả, vì nếu dễ thế thì các quốc gia chỉ việc áp dụng là xong. Nó không hiệu quả bởi lẽ người dân luôn có hình dung nhất định về lẽ công bằng, bao gồm cả mức phạt cho một vi phạm nào đó. Nếu hình phạt mâu thuẫn với cảm giác công bằng đó, thì sẽ có nhiều hệ quả xảy ra và xã hội sẽ bất ổn hơn.

Đã có nhiều người phân tích các hệ quả đó. Ở đây tôi muốn ‘đú trend’ để nói về các cấp độ tư duy đạo đức mà một người sẽ trải qua trong quá trình trưởng thành. Các cấp độ này do nhà tâm lý học Lawrence Kohlberg đề xuất. Chúng ta có thể sử dụng lý thuyết này để soi chiếu bản thân và giúp con em mình phát triển sự tự chủ về tư duy đạo đức.

Cấp độ 1 là đạo đức Tiền Quy ước (pre-conventional morality). Nói là tiền quy ước là vì chưa có một thỏa ước nào. Cấp độ này đặc thù cho trẻ nhỏ. Các quyết định về đạo đức của trẻ được định hình bởi kỳ vọng của người lớn và hậu quả của việc vi phạm các quy tắc do người lớn đặt ra. Cấp độ này bao gồm 2 giai đoạn:

• Vâng lời và Trừng phạt (Obedience and Punishment): Coi các quy tắc là cố định và tuyệt đối. Tuân theo các quy tắc là quan trọng vì đó là cách để tránh bị trừng phạt.

• Chủ nghĩa cá nhân và Trao đổi (Individualism and Exchange): Quan điểm có đi có lại được chấp nhận ở giai đoạn này, để phục vụ lợi ích ngắn hạn của bản thân.

Cấp độ 2 là đạo đức Quy ước (Conventional Morality). Trong thời gian này, thanh thiếu niên nội hóa các tiêu chuẩn đạo đức mà họ đã học được từ các tấm gương, gia đình và từ xã hội. Giai đoạn này cũng tập trung vào việc chấp nhận quyền hạn và tuân thủ các chuẩn mực của cộng đồng. Hai giai đoạn ở cấp độ này:

• Phát triển các mối quan hệ tốt đẹp liên cá nhân (Developing Good Interpersonal Relationships): Định hướng “con ngoan trò giỏi”, sống theo những kỳ vọng xã hội và vai trò của mình.

• Duy trì trật tự xã hội (Maintaining Social Order): Trọng tâm là duy trì luật pháp và trật tự bằng cách tuân theo các quy tắc, thực hiện nghĩa vụ bản thân, và tôn trọng thẩm quyền.

Cấp độ 3 là đạo đức Hậu Quy ước (Postconventional Morality). Ở cấp độ này, người ta phát triển sự hiểu biết về các nguyên tắc trừu tượng của đạo đức, hành động theo các nguyên tắc nội tại, không phụ thuộc vào ý kiến đám đông. Hai giai đoạn bao gồm:

• Khế ước xã hội và quyền cá nhân (Social Contract and Individual Rights): Tính đến các giá trị, ý kiến và niềm tin khác nhau của những người khác. Các quy tắc của pháp luật là quan trọng để duy trì một xã hội, nhưng phải được các thành viên của xã hội đồng ý.

• Nguyên tắc phổ quát (Universal Principles): Cấp độ tư duy đạo đức cuối cùng dựa trên các nguyên tắc đạo đức phổ quát và tư duy trừu tượng. Ở giai đoạn này, người ta tuân theo các nguyên tắc công lý đã được nội hóa, ngay cả khi chúng xung đột với luật và quy tắc.

Trong một thí nghiệm tâm lý, người ta đưa ra ví dụ một điều luật không được thực thi, và hỏi đối tượng tham gia thí nghiệm xem nên làm gì. Nếu hỏi trẻ nhỏ, thì chúng đề xuất tăng nặng hình phạt, vì chúng tư duy theo cấp độ 1. Khi hỏi trẻ vị thành niên, thì chúng đề xuất xem xét lại toàn bộ bối cảnh tại sao điều luật không hiệu quả, tức là chúng đã tư duy theo cấp độ 2.

Trong quá trình phát triển, người ta sẽ trải qua các bước bao gồm thống nhất được tư duy đạo đức của mình, rồi lại thấy mâu thuẫn, rồi lại thống nhất ở cấp độ mới. Cho dù đến cấp độ nào, thì sự phát triển cũng dịch chuyển từ việc nhìn ra ngoài xem mọi người nghĩ gì về mình sang việc nhìn vào trong xem bản thân tự đánh giá thế nào.

Số người đạt đến cấp độ 3 không nhiều. Họ có những nguyên tắc đạo đức riêng nên sẵn sàng hành động trái với luật lệ khi cảm thấy cần phải như vậy. Ví dụ những người Đức đã dám bảo vệ người Do thái, hay nhà đấu tranh nhân quyền Martin Luther King dám vào tù để đòi quyền con người cho người da màu. Những người này coi nhân quyền cao hơn luật pháp và họ sẵn sàng đấu tranh. Khi được yêu cầu phải thượng tôn pháp luật, Martin Luther King nói: “đừng quên rằng mọi chuyện Hitler đã làm ở Đức đều là hợp pháp, mọi chuyện các chiến sỹ người Hung làm ở Hungary là bất hợp pháp”.

Nói chung một người sẽ chạm ngưỡng cao nhất của mình khi kết thúc quá trình giáo dục chính thức. Tức là càng học cao thì càng có khả năng có tư duy đạo đức mức cao. Tất nhiên tư duy và hành động không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau, nhưng những người có tư duy đạo đức mức cao thì cũng ít có hành vi vi phạm đạo đức hơn, vì cảm thấy phản bội chính mình. Những người có tư duy mức thấp thì sẽ vi phạm khi nghĩ rằng không ai biết, và sẽ đổ tại ngoại cảnh khi bị bắt gặp.

Một trong các yếu tố chính gây mâu thuẫn giữa bố mẹ và trẻ teen là tư duy đạo đức. Cụ thể là trẻ teen, khác với trẻ nhỏ, bắt đầu phân biệt giữa đạo đức và lựa chọn cá nhân. Ví dụ nhiều bố mẹ cho rằng việc nhuộm tóc hay xăm trổ là vấn đề đạo đức (bố láo, nhố nhăng), còn trẻ thì cho là vấn đề lựa chọn cá nhân, trong quyền tự quyết của mình.

Các bố mẹ quan tâm đến sự phát triển tâm lý xã hội của trẻ teen có thể đăng ký khóa học “Vị thành niên – những gì cha mẹ cần biết” gồm 14 buổi mà tôi sẽ chia sẻ từ đầu tháng 6/2025.

Cái mức phạt hiện nay cũng ‘quá dư dả’ để làm dân nghèo điêu đứng rồi ạ. Nhà có 1 cái xe, sáng ba mẹ đi làm, trưa con đi học. Mà xe cà tàng xui gặp công an, kiểu gì cũng bị phạt. Với họ, vài triệu thì kiếm đâu ra…nên đôi khi bỏ luôn cái xe hoặc lại đi vay (nóng) mượn để nộp phạt.

Hôm sau Tết lớp e cũng quyên góp tiền giúp 1 bạn hs đồng bào xe bị bắt, thấy xót gì đâu. E ko nghèo nhưng vẫn thấy mức phạt hiện nay quá cao so với thu nhập của gd em.

Khóa học của thầy thì ngược lại, nhận giá trị nhiều hơn học phí rất nhiều​:slightly_smiling_face::slightly_smiling_face: