Giới thiệu sách: Sở hữu hay hiện hữu - Erich Fromm

Tôi hạnh phúc vs Tôi CÓ hạnh phúc?

Giới thiệu sách ‘Sở hữu hay Hiện hữu’ của Erich Fromm

Fromm gọi phong trào sở hữu là ‘một lời hứa vĩ đại đã thất bại’, bởi trước đó người ta tin rằng hạnh phúc sẽ đến khi rốt cuộc ta sở hữu những gì mình muốn. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại – càng có nhiều, con người lại càng muốn nhiều hơn, càng thấy bất hạnh hơn. So với 1976 là thời điểm ra mắt cuốn sách, xã hội ngày nay đang bị cuốn sâu hơn và nhanh hơn vào vòng xoáy vô tận này.

Erich Fromm (1900-1980) là nhà phân tâm học, xã hội học và triết gia với tư tưởng nhân văn. Ông viết rất nhiều sách, khoảng gần chục cuốn đã được xuất bản bằng tiếng Việt như Trốn thoát tự do, Nghệ thuật yêu, Xã hội tỉnh táo, Tâm phân học và tôn giáo.

Xuyên suốt trong các tác phẩm là nỗi trăn trở thấm đẫm tính nhân văn về số phận và cuộc sống con người. Bản thân là người Do thái đã phải chạy trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã, ông đặt ra những câu hỏi về quan hệ giữa con người với tự do, với tình yêu, v.v. và đi tìm câu trả lời trong tôn giáo, triết học và tâm lý học. Cuốn ‘Sở hữu hay hiện hữu’ (To have or to be) được xuất bản năm 1976, chỉ 4 năm trước khi ông mất, là đúc kết của ông trước một xã hội phương Tây đang say sưa với tiêu dùng, sở hữu, không chỉ sở hữu vật chất mà còn cả những hiện tượng tinh thần như tri thức hay tình cảm.

Fromm gọi phong trào sở hữu là ‘một lời hứa vĩ đại đã thất bại’, bởi vì trước đó người ta tin rằng khi một người sở hữu những gì mình muốn thì anh ta sẽ có hạnh phúc. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại – càng có nhiều, con người lại càng muốn nhiều hơn nữa, không bao giờ thỏa mãn trong vòng xoáy vô tận này. Ông cũng chỉ ra bản chất của vấn đề ngay ở trong ngôn ngữ, bằng cách so sánh những cụm từ kiểu ‘tôi hạnh phúc’ và ‘tôi CÓ hạnh phúc’. Hạnh phúc là trạng thái mà bạn hiện hữu, chứ không phải thứ mà bạn sở hữu.

So với 1976 thì có lẽ cuộc đua sở hữu ngày nay còn chóng mặt hơn. Truyền thông xã hội đang cuốn chúng ta vào cơn nước lũ của mua sắm, của so bì, của danh tiếng. Tất cả những “gợi ý” của các loại mạng xã hội đều nhằm để chúng ta sở hữu thêm, từ like cho đến follower, từ giày dép quần áo cho đến những sản phẩm “độc lạ” nhằm chứng minh bản thân. Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều từng có cảm giác bị dòng lũ đó cuốn đi mà không có chỗ nào bấu víu, đành nhìn quanh rồi tự an ủi rằng ai cũng vậy.

Vấn đề được đặt ra không phải là mới – từ lâu nó đã nằm trong những tư tưởng phương Đông như Phật học hay đạo Lão. Nhưng việc tìm hiểu nó qua quan điểm của các nhà tâm lý học nhân văn như Fromm, Carl Rogers hay Abraham Maslow sẽ giúp ta có thêm góc nhìn mới, gần gũi hơn trong ứng xử thực tiễn đương thời. Rogers cũng nói về chiêm nghiệm hiện hữu trong cuốn ‘A Way of Being’, còn Maslow thì đề cập đến nhu cầu hiện hữu (B need) ở những người tự hiện thực hóa, phân biệt với nhu cầu do thiếu hụt (D need). Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà cả ba tác giả đều viết về chủ đề này vào giai đoạn cuối đời, khi đã trải nghiệm đủ về sở hữu.

Tất nhiên mỗi người đều phải sở hữu đủ cho cuộc sống của mình, nhưng người ta sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn khi ‘buông bỏ’ rất nhiều sở hữu không cần thiết, để hiện hữu trong cuộc đời và tìm thấy ý nghĩa của nó.

Độc giả quan tâm nên đọc thêm cuốn ‘Nghệ thuật tâm thức’ (The art of being) của cùng tác giả. Cuốn này được xuất bản sau khi Fromm mất, bao gồm những bài cùng chủ đề mà ông đã không đưa vào cuốn ‘Sở hữu hay hiện hữu’, là những hướng dẫn thực hành hiện hữu.

Cả hai cuốn đều được Công ty sách Bách Việt liên kết xuất bản. Độc giả có thể đăng ký mua qua form ở dưới (giá tốt), hoặc mua qua các hiệu sách online và truyền thống.

Phan Phương Đạt

Curator Tủ sách Tâm lý học Bách Việt.