Review bản dịch sách: Thế hệ lo âu
Cuốn sách The Anxious Generation của nhà tâm lý học xuất sắc Jonathan Haidt đã trở thành một hiện tượng ở Mỹ và thế giới khi ra mắt vào tháng 3/2024. Vốn là fan của Haidt, tôi đã preorder và đọc sách ngay khi xuất bản, và rất mừng là sách đã có bản dịch tiếng Việt vừa ra mắt cách đây vài tuần.
Nhìn chung bản dịch chất lượng tốt, chuyển tải trung thực và chính xác nội dung đến người đọc. Tôi có một số nhận xét và góp ý cho độc giả cũng như dịch giả, nếu đến được tai họ.
-
Bản dịch lược bỏ Chương 8 (Spiritual Elevation and Degradation), cho nên sách có 11 chương thay vì 12 ở bản gốc. Điều này là đáng tiếc vì đây là chương tâm huyết của tác giả. Nó đã xuất hiện trong ít nhất 2 cuốn trước đó của Haidt, mà một trong số đó đã xuất bản tiếng Việt (Tư duy đạo đức). Chương này nói về mô hình Không gian xã hội 3 chiều của một người, gồm Thứ bậc xã hội, Độ gần gũi, và Tính thiêng liêng (Divinity). Theo Haidt, hiện nay xã hội bị khuyết đi chiều Thiêng liêng, khiến người ta cảm thấy vô nghĩa. Tôi sẽ viết tóm tắt về mô hình này trong một bài khác.
-
Bản dịch cũng lược mất hơn một mục trong Chương 4 (mục Nghi lễ trưởng thành), nên mạch đọc đoạn này bị hụt hẫng. Về nguyên tắc bản dịch có thể lược bỏ vài phần, nhưng nên ghi rõ trong Lời mở đầu hoặc Lời người dịch. Nói chung người dịch, với tư cách trung gian quan trọng, nên xuất hiện nói vài lời với độc giả.
-
Khái niệm trung tâm của sách là Rewire, liên quan đến việc hình thành các kết nối nơ ron ở tuổi vị thành niên. Các kết nối hình thành ở giai đoạn này rất quan trọng vì sẽ định hình nhân cách của họ sau này. Ý của tác giả là, trong thời đại hiện nay, não bộ của trẻ được kết nối theo cách hoàn toàn khác trước, thế nên ổng lấy hình ảnh đứa trẻ lớn lên trong môi trường Sao Hỏa thay vì Trái Đất.
Thay vì dịch là “tái kết nối”, dịch giả dịch là “tái thiết lập”, nhưng chữ “thiết lập” có thể được hiểu chung chung chứ không cụ thể như “tái kết nối”. Và vì dịch như thế, nên có chỗ dịch giả làm mờ mất ý của từ này. Ví dụ ở trang 13 khi từ rewire xuất hiện lần đầu: “… their brains were rapidly rewiring in response to incoming stimulation”, dịch giả dịch là “não bộ của chúng nhanh chóng đáp ứng lại sự kích thích vừa đến”. So với “tái kết nối nơ ron” thì “đáp ứng” là một khái niệm quá chung chung.
Nếu dịch là “tái thiết lập” thì nên có chú giải kỹ hơn cho khái niệm này.
- Một số chỗ dịch sai ý. Ví dụ “young women whose main excellence seems to be amassing followers” dịch là “những cô gái trẻ dùng mặt xuất sắc chính của họ để thu hút người theo dõi”, trong khi ý tác giả là “những phụ nữ trẻ mà tài năng chính là biết cách gia tăng số người theo dõi”. Đoạn này nói về những người nổi tiếng chỉ vì biết cách PR về bản thân chứ không có năng lực gì đáng để tụi trẻ học theo.
Hay như khái niệm NEET, không nên dịch là “những người không thuộc diện “Giáo dục, Việc làm hoặc Đào tạo”, mà dịch là “những người 3 không: không đi học ở trường, không có việc làm và cũng không đang học nghề”.
- Bản dịch lược bỏ phần Tài liệu tham khảo, cũng là hợp lý, tuy nhiên nên nhắc đến một số sách tham chiếu quan trọng mà đã được xuất bản tiếng Việt, ví dụ cuốn Tự do học tập của Peter Gray, hay Giải mã hoóc môn Dopamine của Anna Lembke. Độc giả cuốn Thế hệ lo âu nên đọc thêm 2 cuốn này.