ablation
ablation (A): cắt đứt, tách rời
Ablation (Đ); ablation (P)
Sự cắt đứt, tách rời các mối liên hệ, phụ thuộc tâm lí giữa hai người/nhóm người, ví dụ như mối liên hệ phụ thuộc giữa cha mẹ với trẻ vị thành niên. Thuật ngữ này được các nhà TLH sử dụng nhiều trong tâm phân học (phân tâm học) (psychoanalysis). [STANGL]
ableism
ableism (A): [óc] kì thị người thiểu năng
Ableismus, Ablehnung (Đ); abléisme, capacitisme, validisme (P)
Óc kì thị đối với những người không có cơ thể hay tâm trí lành mạnh, hoặc ý tưởng chỉ cần chăm lo cho những người có cơ thể lành mạnh. Thuật ngữ do các nhà nữ quyền Mĩ tạo ra trong những năm 1980 sau đó được hội đồng London Borough of Haringey sử dụng trong một thông cáo báo chí năm 1986. Cũng viết là ablism. [OXF]
abnormal psychology
abnormal psychology (A): TLH dị thường
abnormale Psychologie (Đ); psychologie anormale (P)
Ngành TLH nghiên cứu sự phân loại, nguyên nhân, chẩn đoán, chữa trị và phòng ngừa những rối loạn và thiểu năng tâm trí. Cũng gọi là psychopathology (tâm bệnh học). [OXF]
abreaction
abreaction (A): phản ứng xả giải
Abreaktion (Đ); abréaction (P)
Trong Tâm phân học (Phân tâm học), sự xả giải một năng lượng cảm xúc sau khi hồi tưởng một kí ức đau khổ đã được đè nén. Có thể xảy ra một cách tự phát hay thông qua trị liệu tâm lí, đặc biệt là bằng phép thôi miên và có thể dẫn tới sự thanh tẩy (catharsis). Là quy trình trị liệu được bác sĩ người Áo Josef Breuer (1842-1925) khám phá vào năm 1880-1882 và trong thời kì đầu của tâm phân học, người ta tin là tự nó có tác dụng trị liệu. [OXF]
absenteeism
absenteeism (A): [tật] vắng mặt không lí do
Absentismus (Đ); absentéisme (P)
Thói tật ở một số học sinh/sinh viên sợ đi học, lười học hay công nhân viên chức thường xuyên bỏ vị trí làm việc, không có lí do chính đáng. Để khắc phục tật này, TLH Tổ chức (Organizational Psychology) có nhiệm vụ cung cấp các giải pháp, mô hình cải thiện tình trạng vắng mặt thường xuyên như cải thiện các yếu tố trong học tập/làm việc, văn hóa trường học/công sở…[DORSCH]
absolute reflex
absolute reflex (A): phản xạ tuyệt đối
absoluter Reflex (Đ); réflexe absolu (P)
Thuật ngữ được nhà sinh lí học Nga Ivan Petrovitch Pavlov (1849-1936) sử dụng, đồng nghĩa với unconditionned response (đáp ứng/phản xạ không điều kiện). [OXF]
absolute thinking
absolute thinking (A): tư duy tuyệt đối
absolutes Denken (Đ); pensée absolue (P)
Chứng lo sợ và ham muốn những cái tuyệt đối (chẳng hạn tự mô tả bản thân như bị tàn phá tuyệt đối bởi một thất bại); được coi như một lầm lạc về thức nhận (nhận thức), hạn chế sự hiểu thấu đáo. [OXF]
absolute threshold
absolute threshold (A): ngưỡng tuyệt đối
Absoluteschwelle (Đ); seuil absolu (P)
[trong Tâm phân học (Phân tâm học)] Cường độ tối thiểu của một kích thích giác cảm (cảm giác) có thể được nhận biết hay có thể khơi lên một giác cảm; ví dụ điển hình là ngưỡng tuyệt đối trung bình về cường độ âm thanh của con người ở độ 1000 hertz (khoảng 2 quãng 8 trên nốt C giữa), tức khoảng 6,5 dBSPL (áp lực âm thanh tính bằng Decibel). Vốn là khái niệm về giới hạn được xác định rõ ràng mà dưới giới hạn ấy không có gì có thể được giác tri (tri giác), khái niệm đã mất giá trị và hầu như bị bỏ quên sau khi có sự phát triển của Thuyết Phát hiện tín hiệu (Signal Detection Theory), ngưỡng tuyệt đối được định nghĩa lại là độ lớn có thể được nhận ra với một tỉ lệ trình hiện chuyên biệt (thường là 50 hay 75%). [OXF]
absorbent mind
absorbent mind (A): tâm trí thẩm thấu
absorbierende Geist (Đ); esprit absorbant (P)
[trong thuyết Phát triển theo giai đoạn của Maria Montessori (1870-1952 - bác sĩ và nhà sư phạm người Ý, chuyên nghiên cứu về khoa học giáo dục)] Tâm trí thẩm thấu của con người nằm trong giai đoạn từ lúc mới lọt lòng đến khi 3 tuổi trong đó trẻ “thẩm thấu” mọi điều một cách vô thức, tuần tự từ vô thức sang có ý thức trong khung cảnh “tràn đầy vui thú và tình yêu”. Sau khi thấm đậm ý thức con người đó, trẻ phải có rất nhiều cố gắng để học những kiến thức mới. Ba năm đầu của trẻ là cơ sở quan trọng nhất cho việc học hành sau này cũng như cho tính cách cá nhân. Đặc tính của giai đoạn này trước hết là “tâm trí thẩm thấu”, theo Montessori, định hình tinh thần trẻ nhỏ. Đó là một dạng trí khôn cho phép trẻ nắm bắt mọi điều cần thiết cho bé nhưng bé cũng không hiểu gì về các điều này. Trẻ trưởng thành nắm bắt những ấn tượng và chứa đầy chúng trong trí nhớ nhưng trẻ nhỏ hấp thu, thẩm thấu chúng và hợp nhất với chúng tạo thành một thể duy nhất. Với sự hấp thu thẩm thấu đó, trẻ nhỏ biến đổi [thuyết Montessori, 1967]. [STANGL]
abstinence syndrome
abstinence syndrome (A): hội chứng cai (cữ)
Abstinenzsyndrom (Đ); syndrome d’abstinence (P)
Một loạt dấu hiệu liên kết với tình trạng suy thoái ở một người nghiện ngập khi đột ngột mất đi sự cung cấp đều đặn chất gây nghiện và buộc phải cai (cữ). [OXF]
absurdity test
absurdity test (A): đo nghiệm (trắc nghiệm) về sự phi lí
Absurditätstest (Đ); test d’absurdité (P)
Đo nghiệm (trắc nghiệm) TLH trong đó người được đo nghiệm (trắc nghiệm) phải nhận ra cái gì sai hay phi logic ở một văn bản hay bức vẽ, chẳng hạn sự thiếu một chân trong bức vẽ con nhện hay thiếu một con số trong bức vẽ chiếc đồng hồ. Thường nằm trong một đo nghiệm (trắc nghiệm) IQ (Intelligence Quotient: thương số trí khôn). [OXF]
academic problem
academic problem (A): vấn đề học thuật
akademisches Problem (Đ); difficulté académique (P)
Khó khăn về học các môn học ở trường, thường gặp trong tuổi học sinh phổ thông, tuy chưa đến mức mất khả năng học. [OXF]
acceptance and commitment therapy
acceptance and commitment therapy (ACT) (A): liệu pháp chấp nhận và ràng buộc
Akzeptanz und Commitmentstherapie (Đ); thérapie d’acceptation et d’engagement (P)
Một kĩ thuật trị liệu tâm lí dựa trên việc thức nhận (nhận thức) đầy đủ và chấp nhận, trong đó người bệnh được khuyến khích thuận theo thực tế của tình thế mà mình lâm vào, không cố gắng thay đổi, phản đối hay thoát ra. [OXF]
access consciousness
access consciousness (A): ý thức truy nhập
Zugangsbewusstsein (Đ); conscience d’accès (P)
Thuật ngữ do triết gia Mĩ Ned Joel Block (sinh 1943) tạo ra để chỉ loại ý thức không qua trực tiếp trải nghiệm mà được cân nhắc để kiểm soát ý nghĩ và hành động, như trong trường hợp một người mù bị khát nước đã phản ứng một cách tự phát (không bị thúc đẩy) khi tìm đồ uống được giác tri (tri giác) mà không cần trải nghiệm thị giác có ý thức. [OXF]
accommodation
accommodation (A): điều tiết (điều ứng)
Akkommodation (Đ); accommodation (P)
-
Sự chỉnh sửa chủ ý hay không chủ ý độ cong của thủy tinh thể trong mắt để giữ hình ảnh trước mắt rõ nét khi khoảng cách thay đổi (cũng gọi là visual accommodation: điều tiết thị giác)
-
[theo nhà TLH Thụy Sĩ Jean Piaget (1896-1980)] Một hình thức thích nghi trong đó các cấu trúc hay diễn trình tâm lí được sửa đổi để thích hợp với những yêu cầu thay đổi của môi trường. [OXF]
acculturation
acculturation (A): tiếp biến (biến dung) văn hóa
Akkulturation (Đ); acculturation (P)
Diễn trình đồng hóa các ý tưởng, niềm tin, tập tục, giá trị và kiến thức của một nền văn hóa khác thông qua tiếp xúc trực tiếp, thường là sau khi thiên di từ nơi này sang nơi khác. [OXF]
acculturation strategies
acculturation strategies (A): chiến lược tiếp biến (biến dung) văn hóa
Akkulturationsstrategien (Đ); stratégies d’acculturation (P)
[trong TLH xuyên văn hóa (cross-cultural psychology)] Bốn cách mà các thành viên của một nhóm không có địa vị thống trị (người nhập cư, các sắc dân thiểu số…) có thể trải nghiệm việc tiếp biến văn hóa và quản lí sự liên lạc và tham gia vào văn hóa của nhóm thống trị. Chiến lược đồng hóa: các cá nhân không muốn giữ lại căn tính văn hóa gốc mà tìm kiếm sự tương tác hằng ngày với nhóm thống trị. Trái lại, chiến lược tách li: giữ văn hóa gốc và tránh tương tác với nhóm thống trị. Chiến lược hội nhập: giữ văn hóa gốc trong khi vẫn tìm kiếm sự tham gia như một phần trong mạng lưới xã hội. Chiến lược bên lề: không muốn hoặc không thể đồng dạng với, không muốn và không thể tham gia vào văn hóa gốc của mình hay văn hóa của nhóm thống trị. Những chiến lược này phần nào được xác định bởi mức độ mà nhóm thống trị có hay không ép buộc nhóm không có địa vị thống trị thích nghi với những đòi hỏi hay bắt buộc về văn hóa của mình (như thông qua sự kì thị) [Do nhà TLH John W. Berry người Canada (1939-) đề xướng]. [APA]
accuracy test
accuracy test (A): đo nghiệm (trắc nghiệm) về sự chuẩn xác
Genauigkeitstest (Đ); essai/test de précision (P)
Đo nghiệm (trắc nghiệm) trong đó việc trả lời đúng được quan tâm hơn là tốc độ trả lời. [OXF]
achievement test
achievement test (A): đo nghiệm (trắc nghiệm) thành tích
Leistungstest (Đ); test de performance (P)
Đo nghiệm (trắc nghiệm) về năng lực hay kĩ năng, ví dụ tiêu biểu là trong các kì kiểm tra, thi cử ở trường học. [OXF]
acoustic coding
acoustic coding (A): mã hóa âm thanh
akustische Kodierung (Đ); codage acoustique (P)
Sự nhớ lại cái gì đó bằng cách lưu giữ biểu hiện (bằng âm thanh) của lời nói hơn là nghĩa của nó hay động tác cần có để phát âm nó. [OXF]
acoustic confusion
acoustic confusion (A): lẫn âm
akustische Verwirrung (Đ); confusion acoustique (P)
Giác tri (tri giác) hay kí ức sai do thay thế một từ sai bằng một từ có phát âm tương tự. [OXF]
acoustic generalization
acoustic generalization (A): khái quát hóa âm thanh
akustische Verallgemeinerung (Đ); généralisation acoustique (P)
Sự khái quát hóa một kích thích thính giác, như khi một âm thanh (một từ hay một âm) đã học được khơi gợi bởi một âm tương tự. [OXF]
action slip
action slip (A): hành động vô ý (lỡ)
Aktionsbeleg (Đ); glissement de l’action (P)
Một hành động hay hành vi không chủ ý, thường là kết quả của sự vô ý khi lãng trí, và thường liên quan đến sự lơi lỏng kiểm soát một hành động/hành vi vốn đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ để thi hành đúng đắn (lỡ chân, lỡ tay…). [OXF]
activating event
activating event (A): sự kiện khởi động (kích hoạt)
Aktivierungsereigniss (Đ); événement déclencheur (P)
[trong Liệu pháp Ứng xử tình cảm hợp lí (Rational Emotive Behaviour Therapy) (Mĩ: Rational Emotive Behavior Therapy) (REBT)] Điều được tin là sẽ xảy ra, đã xảy ra, hay sắp phải xảy ra, điều này khởi lên những niềm tin phi lí dẫn tới những vấn đề về cảm xúc. [OXF]
active imagination
active imagination (A): tưởng tượng chủ động
aktive Fantasie (Đ); imagination active (P)
[trong TLH Phân tích (Analytic Psychology)] Thuật ngữ do Carl Gustav Jung (1875-1861) đặt ra, để nói về diễn trình cho phép các phóng/huyễn tưởng (phantasy) diễn ra tự do như thể mơ mộng trong khi mở mắt. [OXF]
adaptation
adaptation (A): thích nghi (thích ứng)
Anpassung (Đ); adaptation (P)
Diễn trình của hành vi hay trải nghiệm chủ quan biến đổi để thích hợp với một môi trường hay hoàn cảnh thay đổi hoặc để đáp ứng với sức ép của xã hội. [OXF]
adaptation syndrome
adaptation syndrome (A): hội chứng thích nghi
Adaptationssyndrom, Anpassungssyndrom (Đ); syndrome d’adaptation (P)
[trong khái niệm stress của Selye] Hội chứng thích nghi mô tả trình tự nối tiếp các phản ứng sinh lí học thích nghi với các tình trạng gây căng thẳng. Hans Selye (1907-1982), người Hungari, tiến sĩ y học, tiến sĩ hóa hữu cơ, giáo sư hóa sinh Đại Học McGill-Montreal, Canada, cha đẻ của lí thuyết stress, từng được đề cử giải Nobel, năm 1976 đã công bố mô hình stress sinh học trong hội chứng thích nghi. Selye mô tả stress như một phản ứng phức hợp và không có tính đặc thù của cơ thể con người trước đòi hỏi và áp lực môi trường gây nên sự xáo trộn trong cân bằng động của cơ thể. Đó là phản ứng thích nghi cơ thể, được chia thành 3 giai đoạn, không phụ thuộc vào nguyên cớ kích thích. Giai đoạn phản ứng báo động là giai đoạn đầu tiên ứng với phản ứng bình thường trong stress cấp tính, dùng để huy động các dự trữ năng lượng và hành động. Giai đoạn 2 là giai đoạn thích nghi hay kháng cự, có sự điều chỉnh (thích nghi) cùng với sự tăng kháng cự đối với stress mạn tính. Giai đoạn 3 là giai đoạn kiệt sức hay là giai đoạn sửa chữa. Trong trường hợp mạn tính không có sự phục hồi, giai đoạn 3 có thể kéo theo các căn bệnh của các cơ quan (các rối loạn thích nghi). Như vậy stress là một hội chứng đặc biệt bao gồm các thay đổi không đặc trưng bên trong một hệ thống sinh học. [STANGL]