Các ông bố bà mẹ luôn hình dung trong đầu hình ảnh của một đứa trẻ ‘bình thường’, và khi một đứa nhỏ tỏ ra khác với hình ảnh đó, thì được gọi là ‘cá tính’. Tùy mức độ, chúng có thể ‘rất cá tính’, hay cụ thể hơn là: lầm lỳ, cứng đầu, lắm mồm, nghịch như giặc, phá phách, v.v.
Có nhiều sách về nuôi dạy những đứa trẻ ‘bình thường’ và chút ít cá tính. Nhưng nếu con bạn thuộc loại rất cá tính thì bạn sẽ điên đầu không biết phải làm gì với chúng, vì không ai dạy bạn. Sẽ có nhiều va chạm, đau khổ, tự trách, than thân, và trên hết là nỗi sợ rồi đây con mình sẽ trở thành ai…
Tất nhiên cũng có những trường hợp cần đến trợ giúp y tế, nhưng đa số thì có thể được giải quyết bằng cuốn sách này. Thế nên nó được coi là đã cứu giúp cho cả triệu ông bố bà mẹ! Làm theo không dễ, nhưng ít ra còn có đường đi, để tuy không đạt được sự hoàn hảo nhưng có tiến bộ mỗi ngày.
Cuốn sách có tên là Raising Your Spirited Child. Spirited nghĩa là “full of energy, enthusiasm, and determination.” Vậy tại sao tựa tiếng Việt lại là “Tính khí của trẻ”? Đó là vì tính khí (temperament) là phần nhân cách bẩm sinh của con người, quyết định cách cảm nhận, suy nghĩ và hành xử của người ta lúc nhỏ. Trong quá trình lớn, tính khí cộng với giáo dục và văn hóa sẽ hình thành nên tính cách (character) lúc trưởng thành. Tin tốt là bố mẹ có thể giúp con mình phát triển nên những tính cách tốt, cho dù không thấy dễ chịu với tính khí của chúng. Một tin tốt nữa là tính khí mạnh là mầm mống cho tài năng khác người. Sách này chính là về những đứa trẻ tính khí mạnh.
Cuốn sách có cấu trúc mạch lạc. Mở đầu là lời khuyên rằng bố mẹ và người lớn nói chung đừng gọi trẻ cá tính bằng những cái tên tiêu cực như hay đòi hỏi, dễ bùng nổ, v.v mà thay bằng các danh hiệu tích cực như có tiêu chuẩn cao, nhiều xúc cảm, v.v. Hành động đơn giản này sẽ đặt hành vi của người lớn và tinh thần của trẻ vào đúng hướng: tiến bộ mỗi ngày.
Sau đó đến định nghĩa khoa học về tính khí. Tác giả sử dụng lý thuyết của Chess và Thomas, là kết quả của một nghiên cứu tâm lý học kéo dài 30 năm. Theo đó, các nhà TLH xác định 9 yếu tố của tính khí, bao gồm: Cường độ cảm xúc (intensity), Sự kiên định (Persistence), Sự nhạy cảm (Sensitivity), Sự mẫn cảm (mất tập trung – Perceptivess hoặc Distractibility), Khả năng thích nghi (Adaptability), Sự quy củ (Regularity), Năng lượng (Energy), Phản ứng đầu tiên (First Reaction), và Tâm trạng (Mood). Mỗi yếu tố là một chiều kích với 2 cực, và bố mẹ có thể dùng mô hình này để đánh giá con. Và tự đánh giá bản thân nữa, để xem mình có trái cực với con hay không, bởi lẽ đây là chỗ dễ xảy ra mâu thuẫn.
Tiếp theo, trong Phần 2 (dài nhất, từ chương 5 đến 14), tác giả hướng dẫn cách đánh giá và hành xử với trẻ theo 9 yếu tố tính khí kể trên. Thay vì quy kết sai các hành vi của trẻ dẫn đến biện pháp xử lý tai hại, bạn sẽ hiểu tại sao trẻ làm thế (hay đúng hơn là tính khí của nó làm thế) và nên làm gì là hiệu quả nhất, cái gì nên chấp nhận cái gì nên hành động.
Phần 3 và 4 nói về những lĩnh vực cụ thể mà các bố mẹ đau đầu hơn cả, bao gồm việc làm sao để mình có thể sống chung với nó (ăn, ngủ, mặc quần áo) và làm sao để nó sống hòa thuận với thiên hạ (chơi với bạn, đi du lịch, học ở trường). Điều hay là tác giả đưa ra một phương pháp chung cho tất cả các nhiệm vụ này, khiến chúng trở nên có trật tự và dễ chế ngự hơn.
Phần cuối, tác giả ví mỗi đứa trẻ là một loài cây. Có nhiều loài rất dễ chăm, nhưng có loài như hoa hồng thì khác hẳn, sểnh ra là sâu là héo, hoa thì chả được ngắm mà bị gai đâm suốt ngày. Nhưng bạn không thể ngồi ước nó trở thành cây khác, chi bằng chăm sóc cho đúng để nó rực rỡ trổ bông đẹp nhất vườn.
Chất lượng dịch rất tốt. Dịch giả là “Mẹ Ong Bông”, tôi đoán là một người mẹ có những đứa con cá tính, đã áp dụng sách rồi sau đó dịch để chia sẻ với mọi người. Thật là một nghĩa cử đáng trân trọng, tiếc là chị không xuất hiện tự giới thiệu đôi chút trong sách. Tôi luôn cho rằng dịch giả nên viết một đoạn giới thiệu ở đầu sách.
Sách nên có trong tủ sách gia đình. Xuất bản: Thái Hà Books và NXB Công Thương, 593 trang, giá bìa 259K. Tháng 5/2025.